Mình nhận được rất nhiều câu hỏi về sự liên quan giữa LMIA (Labour Market Impact Assessment), WP (work permit) và PR (permanent residence) từ các bạn sinh viên đang đi học cho tới những người đang đi làm hay chưa đặt chân tới Canada. Dưới đây là hai câu hỏi-trả lời quan trọng nhất liên quan tới vấn đề này, theo ý kiến cá nhân của mình. Tuy nhiên, trước hết là các khái niệm cơ bản mà không phải ai cũng đã biết rõ.

 

LMIA là một loại “giấy phép” tuyển nhân viên nước ngoài” mà doanh nghiệp ở Canada phải có nếu muốn giúp (một) người nước ngoài xin được WP. Như tên gọi của nó, LMIA là kết quả đánh giá rằng việc tuyển nhân viên nước ngoài này có ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường lao động nội địa không, nghĩa là phải ưu tiên cho người lao động nội địa trước rồi mới tới người nước ngoài. Một trong những yêu cầu bắt buộc là phải đăng tuyển lao động (tất nhiên cũng có ngoại lệ và các ngoại lệ này có thể được thay đổi mà không thông báo trước) và liên lạc/phỏng vấn những người lao động nội địa phù hợp với công việc đã nộp đơn xin việc. Cho nên, trừ các công việc không cần học vấn hoặc/và kinh nghiệm phù hợp, hầu hết các vị trí đăng tuyển đều cần kinh nghiệm trong cùng vị trí làm việc.

 

Work permit, như tên gọi của nó, là tờ giấy phép cho người nước ngoài làm việc ở Canada. WP có nhiều loại (vui lòng đọc bài về các loại giấy phép làm việc của tôi đã đăng vài năm trước) và loại WP có được nhờ LMIA sẽ là loại “đóng” (closed/employer-specific), nghĩa là người cầm WP này chỉ có thể làm đúng công việc đó ở (một hoặc hơn) địa điểm làm việc cụ thể của doanh nghiệp cụ thể. Việc làm công việc khác hoặc cho doanh nghiệp khác hoặc ở địa điểm không khai báo trong đơn xin LMIA sẽ được coi là “non-compliance” và việc này có thể dẫn tới việc WP bị huỷ, thậm chí trục xuất.

 

PR, tư cách thường trú nhân, chắc không cần nói thêm ở đây.

 

  1. Có LMIA thì chắc chắn có WP?

KHÔNG!
LMIA là doanh nghiệp xin và cơ quan cấp là EDSC/Service Canada, cho phép tuyển người nước ngoài, trong khi WP là do IRCC cấp. Muốn xin được WP thì applicant cần phải chứng minh mình đúng là người LMIA chỉ ra (kinh nghiệm và học vấn, nếu cần). Như vậy việc không có kinh nghiệm đúng công việc mà doanh nghiệp đang kiếm, một lần nữa phải nói rõ là trừ các công việc không cần học vấn hoặc/và kinh nghiệm, sẽ dẫn tới việc WP application bị từ chối. Và, việc khai báo gian đối hoặc che dấu thông tin sẽ dẫn tới hậu quả rất xấu là 5 năm cấm nộp bất kỳ hồ sơ xin visa dạng nào tới Canada.

 

  1. Có WP thì chắc chắn có PR?

KHÔNG!

Canada được coi là quốc gia đang mở rộng cửa nhất thế giới cho người nhập cư với rất nhiều chương trình. Tuy nhiên, việc có WP (và kinh nghiệm làm việc ở Canada) không có gì đảm bảo cho bạn trở thành thường trú nhân Canada (TR to PR Pathway vừa rồi có lẽ chỉ xuất hiện một lần trong lịch sử). Các yếu tố chính ảnh hưởng trức tiếp tới triển vọng định cư Canada của bạn là học vấn, kinh nghiệm làm việc (theo ngành nghề), tiếng Anh/Pháp… Hãy đảm bảo rằng bạn biết được con đường tới PR của bạn là gì và nó có nằm trên trang web chính thức của IRCC trước khi đưa ra những quyết định thay đổi cuộc đời bạn.

 

© Eric Lam, Regulated Canadian Immigration Consultant

(+1 (778) 725-1071 – go@ericlaminc.ca)

[Vui lòng ghi rõ nguồn khi chia sẻ và xem phần Miễn trừ trách nhiệm nội dung ở chân trang